• Trang chủ /
  • Tin tức
  • / Một số đặc tính sinh học phân tử của virus gây bệnh Leucosis ở gà nuôi tại một số tỉnh phía Bắc Việt Nam

Một số đặc tính sinh học phân tử của virus gây bệnh Leucosis ở gà nuôi tại một số tỉnh phía Bắc Việt Nam

 Virus gây bệnh Leucosis trên gà (Avian Leucosis Virus – ALV) là tác nhân gây bệnh nghiêm trọng trên gà, virus lần đầu tiên được phát hiện ở Mỹ năm 1989. Vius thuộc chi Alpharetrovirus, nhóm Retroviridae. Bộ gen của ALV gồm 2 đoạn RNA sợi đơn có đặc điểm là có khả năng chuyển RNA virus thành dạng DNA và gắn vào bộ gen của vật chủ, tồn tại dưới dạng “tiền virus” (provirus). ALV còn được phân chia thành loại “endogenous” và “exogenous”, trong đó exogenous là hạt virus hoàn chỉnh có khả năng xâm nhiễm và gây bệnh. Do vậy, việc phát hiện RNA của ALV có ý nghĩa trong chẩn đoán bệnh do ALV gây ra trên gia cầm. ALV được phân loại thành 6 phân nhóm A, B, C, D, E và J. Phân nhóm ALV-A, ALV-B được phát hiện thấy chủ yếu ở các nước phương Tây. Phân nhóm ALV-C, ALV-D ít được báo cáo. Phân nhóm ALV-E là nhóm nội sinh, được tạo ra do sự tích hợp vào DNA của virus vào tế bào vật chủ, có ở hầu như tất cả các loài gà. ALV -J là phân nhóm mới được phát hiện tại Anh, sau đó được tìm thấy trên gà thịt ở nhiều nước trên thế giới và gây thiệt hại lớn về kinh tế đối với ngành chăn nuôi gia cầm.

Cấu trúc của Avian Leucosis virus

       Bệnh Leuco trên gà đã được báo cáo ở rất nhiều quốc gia trên khắp thế giới. Trong khi ở Việt Nam các nghiên cứu về tỷ lệ phát hiện bệnh, đặc tính sinh học phân tử chủng virus ALV gây bệnh lưu hành còn hạn chế. Kết quả nghiên cứu tại Phòng thí nghiệm trọng điểm công nghệ sinh học Thú y từ 2019 đến 2022 đã xác định được 86 mẫu dương tính với virus ALV trong số 105 ca bệnh từ gà được thu thập tại 12 tỉnh phía Bắc dương tính với ALV bằng phương pháp RT-PCR chiếm tỉ lệ 81,9%. Trình tự đoạn gen env của 4 chủng virus ALV thu thập được tại Hà Nội, Bắc Ninh, Hà Nam và Phú Thọ đã được giải trình tự và so sánh với nhau. Kết quả so sánh cho thấy các chủng này có mức độ tương đồng cao về nucleotide và axit amin lần lượt đạt từ 99,52 đến 100% và 98,45% đến 100%. Phân tích nguồn gốc phát sinh của các chủng ALV phân nhóm J tại phía bắc Việt Nam qua cây phát sinh loài cho thấy các chủng Avian Leukosis Virus nghiên cứu nằm trong nhánh phát sinh nhóm 1 của phân nhóm J và có cùng nguồn gốc với chủng phát sinh nguyên mẫu HPRS-103 của Anh.

Một số hình ảnh bệnh tích đại thể của gà mắc bệnh Leucosis

A: Gan sưng to, quan sát thấy u trên bề mặt; B: Lách sưng;

C: Buồng trứng có nhiều u cục; D: Thận có nhiều u hạt

 

Liên hệ: Nguyễn Thị Hoa, Phòng Thí nghiệm TĐ CNSH Thú y, khoa Thú y