• Trang chủ /
  • Tin tức
  • / Vi khuẩn Rothia nasimurium: Lần đầu tiên phân lập được từ nông trại ngỗng

Vi khuẩn Rothia nasimurium: Lần đầu tiên phân lập được từ nông trại ngỗng

     Vào tháng 9 năm 2020, những con ngỗng 8 tháng tuổi ở một trang trại ở tỉnh Giang Tô, Trung Quốc có biểu hiện kém vận động và đi không vững mà không rõ nguyên nhân và không hiệu quả sau khi sử dụng kháng sinh Azithromycin và Levofloxacin, gây thiệt hại kinh tế cho trại. Phân lập vi khuẩn từ gan của hai con ngỗng bị bệnh, xác định được sự có mặt của Rothia nasimurium, loại vi khuẩn chưa từng được báo cáo ở ngỗng trước đây. Rothia nasimurium, thuộc họ Micrococcaceae, được phân lập và đặt tên bởi Collins và cs., năm 2000. Nó là cầu khuẩn kỵ khí tùy tiện, Gram dương. Vi khuẩn được phân lập từ mũi của một con chuột khỏe mạnh; do đó, nó được đặt tên là Rothia nasimurium. Các thành viên của chi Rothia thường được coi là một phần của hệ thực vật bình thường trong đường miệng và đường ruột của người, lợn và loài gặm nhấm. Vào năm 2011, Li đã phân lập một chủng Rothia nasimurium (số 91) từ không khí của một trang trại, chủng này có khả năng kháng ở mức độ cao đối với tất cả các loại kháng sinh được thử nghiệm ngoại trừ vancomycin và chưa từng được phát hiện trong số tất cả các vi khuẩn trong không khí và chưa được báo cáo ở Rothia trước đó. Năm 2014, Bemis và cs.. đã phân lập một chủng từ các tổn thương trên da, amidan, ống tai ngoài và tinh dịch của chó, gây ra hiện tượng tán huyết hiệp đồng với các khuẩn lạc Staphylococcus trong nuôi cấy sơ cấp. Điều này cho thấy Rothia nasimurium là mầm bệnh cơ hội. Vào năm 2017, một chủng Rothia nasimurium khác đã được Gaiser và cộng sự phân lập từ amidan của lợn con khỏe mạnh, họ đã phát hiện ra rằng chủng này có thể ức chế sự phát triển của nhiều chủng và kiểu huyết thanh của mầm bệnh Streptococcus suis ở lợn. Đó là báo cáo đầu tiên về một loại vi khuẩn bình thường từ hệ vi sinh vật liên quan đến động vật có vú có chứa cụm gen nonribosomal peptide synthetase (NRPS) mã hóa một peptide loại valinomycin. Năm 2021, Wang và cs. đã phân lập được chủng Rothia nasimurium E1706032a, chủng này có khả năng kháng kháng sinh rộng và phổ biến thông qua các yếu tố di động và được cho là có khả năng gây nhiễm trùng khó điều trị ở động vật và người. Trong cùng năm đó, Zhao và cs. đã phân lập được một chủng Rothia nasimurium từ một con thỏ và báo cáo rằng nó có thể gây bệnh. Tuy nhiên, ít nhà khoa học chú ý đến Rothia nasimurium, đây là vi khuẩn cần được quan tâm nghiên cứu sâu hơn.

Phân lập vi khuẩn

Phân lập Rothia nasimurium từ mẫu gan của những con ngỗng bị bệnh. Vi khuẩn phát triển thành những khuẩn lạc màu trắng xám với bề mặt nhẵn, ẩm và các cạnh gọn gàng trên môi trường thạch máu. Đường kính của các khuẩn lạc là 1 mm ± 0,1 mm (Hình 1).

Hình 1: Khuẩn lạc vi khuẩn Rothia nasimurium trên môi trường thạch máu

Định danh vi khuẩn

     Nhuộm Gram

Dưới kính hiển vi soi dầu (độ phóng đại 1000 lần), vi khuẩn xuất hiện dưới dạng cầu khuẩn Gram dương và các tế bào là những hình cầu nhỏ, hình trứng đồng nhất với đường kính ≥ 1,0 µm (Hình 2).

Hình 2. Nhuộm gram vi khuẩn phân lập được (độ phóng đại 1000 lần)

     Xét nghiệm sinh hóa

Vi khuẩn Rothia nasimurium có thể lên men đường glucose, maltose và sucrose, nhưng không lên men được lactose, mannitol, natri citrat, hydro sulfua hoặc urê.

     Nhận dạng MALDI-TOF MS

Vi khuẩn được xác định bằng MALDI-TOF MS. Kết quả cho thấy điểm số là 2210 và tìm kiếm cơ sở dữ liệu cho thấy vi khuẩn là Rothia nasimurium.

     Kháng sinh đồ

Độ nhạy cảm của Rothia nasimurium phân lập với các loại kháng sinh khác nhau là khác nhau. Sử dụng phương pháp CLSI, kết quả thử mẫn cảm với kháng sinh cho thấy mức độ ức chế của amikacin là cao nhất (đường kính = 24 mm), tiếp đến là Cefazolin, Fosfomycin và Ampicillin/sulbactam có mức độ ức chế tương đương nhau. Tuy nhiên, chủng vi khuẩn này kháng với 16 loại kháng sinh được thử nghiệm khác, với đường kính của các vòng vô khuẩn đối với hầu hết các loại thuốc là 0, tức là những loại kháng sinh này không có tác dụng diệt khuẩn. Như vậy, chủng phân lập được có biểu hiện đa kháng thuốc.

Kết luận

Trong nghiên cứu này đã phát hiện chủng Rothia nasimurium có khả năng sống và gây bệnh cho ngỗng. Qua kiểm tra kháng sinh đồ, nhận thấy chủng vi khuẩn này đa kháng thuốc nhưng nhạy cảm nhất với Amikacin; Cefazolin, Fosfomycin và Ampicillin/sulbactam. Từ khả năng đã kháng nhiều loại thuốc, cần quan tâm nghiên cứu sâu hơn đến vi khuẩn Rothia nasimurium này nhằm hạn chế các mối nguy tiềm ẩn của nó. Kết quả của nghiên cứu này giúp cảnh báo sớm cho ngành chăn nuôi ngỗng, từ đó giảm thiệt hại do nhiễm vi khuẩn và sẽ giúp người chăn nuôi định hướng các biện pháp kiểm soát dịch bệnh trên ngỗng.

Theo Yuhui Kang, Hongshan Zhou, Wenjie Jin, 2022.

https://www.mdpi.com/2306-7381/9/5/197