Vi khuẩn Gallibacterium anatis là một mần bệnh mới nổi trên gia cầm trong vài năm gần đây. Vi khuẩn gây bệnh chủ yếu ở gà, gà tây, vịt, ngỗng, gà lôi, chim bồ câu, chim công. Bệnh thường xảy ra với các triệu chứng ho, khó thở, sưng đầu, chảy nước mắt, chảy nước mũi, tiêu chảy phân trắng. Đặc trưng của bệnh là viêm phúc mạc, viêm phủ fibrin ở gan và tim, viêm túi khí, viêm khí quản, viêm ruột, hoại tử gan và nhiễm trùng huyết. Gà mái: viêm buồng trứng, vòi trứng, vỡ nang trứng, nang trứng bị dị dạng. Gà trống: viêm mào tinh, chất lương tinh dịch giảm. Bệnh gây ra những thiệt hại về kinh tế đáng kể cho ngành chăn nuôi gia cầm trên toàn thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng do tỷ lệ mắc và tỷ lệ tử vong cao, sản lượng trứng giảm 3 – 18%.
Gallibacterium anatis được Kjos-Hansen mô tả lần đầu tiên vào năm 1950 trên đàn gà khỏe mạnh; cư trú ở đường hô hấp trên, bộ phận sinh dục cũng như đường tiêu hóa của con vật khỏe mạnh. Khả năng gây bệnh của Gallibacterium anatis trầm trọng khi đồng nhiễm với virus viêm phế quản truyền nhiễm (IBV) và các loại vi khuẩn khác như: E. coli, Avibacterium paragallinarum và Mycoplasma gallisosystemum dẫn đến tăng tỷ lệ mắc bệnh và tỷ lệ tử vong, đặc biệt ở gà mái tỷ lệ tử vong có thể lên đến 73% trên thực nghiệm. Tỷ lệ đa kháng kháng sinh và sự biến đổi kháng nguyên đã được ghi nhận phổ biến ở các chủng Gallibacterium anatis gây khó khăn trong điều trị và phòng bệnh hiệu quả. Mặc dù, Gallibacterium anatis được coi là mần bệnh nguy hiểm trên gia cầm nhưng Việt Nam hiện chưa có một nghiên cứu nào về bệnh.
Trong thời gian gần đây, Phòng thí nghiệm Trọng điểm Công nghệ sinh học Thú y, khoa Thú Y – Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã phát hiện một số ca bệnh trên gà nhiễm vi khuẩn Gallibacterium anatis bằng phương pháp phân tích khối phổ protein sử dụng hệ thống MALDI BIOTYPER. Từ đó, chúng tôi tiến hành thử kháng sinh đồ trên các chủng phân lập từ thực địa đem lại hiệu quả điều trị cao giảm thiệt hại cho người chăn nuôi. Đây là nghiên cứu đầu tiên phát hiện mần bệnh Gallibacterium anatis tại Việt Nam. Kết quả nghiên cứu là hồi chuông cảnh báo và mô tả về tình hình phức tạp của dịch bệnh trên gia cầm tại Việt Nam, do đó cần có nhiều nghiên cứu hơn nữa về dịch tễ học, triệu chứng, bệnh tích đại thể, vi thể, đặc tính kháng nguyên cũng như tính mẫn cảm của kháng sinh với vi khuẩn để đưa ra phác đồ điều trị và phòng bệnh hiệu quả.