[Tạp chí Chăn nuôi Việt Nam] – Phòng thí nghiệm trọng điểm công nghệ sinh học Thú y trực thuộc Khoa Thú y – Học viện Nông nghiệp Việt Nam (VNUA) được thành lập và bắt đầu đi vào hoạt động từ năm 2012. Hiện nay, phòng thí nghiệm tọa lạc trong khuôn viên 5ha của Bệnh viện Thú y, với đầy đủ cở sở vật chất đồng bộ cho hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học, dịch vụ và chuyển giao KHKT.
Đội ngũ cán bộ, công nhân viên của Phòng thí nghiệm trọng điểm công nghệ sinh học Thú y
Cơ sở vật chất của phòng thí nghiệm gồm có: 2 khu phòng thí nghiệm đảm bảo an toàn sinh học cấp 2 và an toàn sinh học cấp 3; nhà nuôi động vật lớn và nhà nuôi động vật nhỏ cấp 2 và cấp 3; khu đốt xác và trạm xử lý nước thải đồng bộ.
Theo ThS Nguyễn Thị Hoa, Phó Trưởng phòng thí nghiệm trọng điểm công nghệ sinh học Thú y cho biết, phòng có đội ngũ cán bộ – nhân viên năng động, sáng tạo và giàu kinh nghiệm, được đạo tạo từ các nước có nền KHCN tiên tiến như Nhật Bản, Hàn Quốc…; cùng với những trang thiết bị hiện đại như máy phân tích khối phổ MALDI-TOF, máy giải trình tự gen ABI 3500, máy Realtime PCR – CFX Opus…
Năm 2012, phòng thí nghiệm đạt được chứng nhận ISO 17025:2005 với 30 chỉ tiêu được công nhận. Trong quá trình phát triển phòng thí nghiệm không ngừng nỗ lực xây dựng, hoàn thiện, cải tiến các quy trình kỹ thuật phục vụ nghiên cứu và chẩn đoán xét nghiệm. Đến năm 2020, Phòng thí nghiệm đã đạt được chứng nhận ISO 17025:2017 với 94 chỉ tiêu được công nhận.
Với phương châm “Chính xác – Trung thực – Chu đáo”, bằng việc ứng dụng các công nghệ cao, hiện đại và tiên tiến trong chẩn đoán các tác nhân gây bệnh trên vật nuôi từ đó nhanh chóng đưa ra được các giải pháp tư vấn hiệu quả cho doanh nghiệp, người chăn nuôi. Mỗi năm phòng thí nghiệm đã tiến hành phân tích hàng chục ngàn mẫu bệnh phẩm phục vụ nghiên cứu, chẩn đoán bệnh từ hệ thống các phòng thí nghiệm, trang trại khắp các tỉnh thành trong cả nước. Phòng thí nghiệm đã và đang khẳng định được vị trí trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học và dịch vụ thú y.
Bên cạnh đó phòng thí nghiệm cũng đã và đang tham gia nghiên cứu khoa học với các đề tài dự án hợp tác quốc tế với Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada, Thái Lan…triển khai các đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước về nghiên cứu sản xuất vắc xin phòng bệnh Tai xanh, vắc xin phòng bệnh Dịch tả lợn châu Phi, vắc xin phòng bệnh Ca rê, nghiên cứu sản xuất các chế phẩm sinh học như kháng huyết thanh, kháng thể lòng đỏ, probiotic phục vụ phòng và trị bệnh trên vật nuôi.
Phòng thí nghiệm luôn tăng cường hợp tác với các chuyên gia trong và ngoài nước để chia sẻ và cập nhật những công nghệ tiên tiến trên thế giới; đội ngũ cán bộ – nhân viên thường xuyên được tiếp cận với các công nghệ mới, hoàn thiện năng lực chuyên môn để xây dựng phòng thí nghiệm ngày càng phát triển.
Phòng thí nghiệm có khả năng xét nghiệm 96 chỉ tiêu trên lợn, chẩn đoán các bệnh truyền nhiễm như: Bệnh dịch tả lợn châu Phi (ASF), Dịch tả lợn cổ điển (CSF), Lở mồm long móng (FMD), Bệnh tai xanh (PRRS); PCV2 (Circovirus type 2); Parvovirus trên lợn; Rotavirus; Bệnh giả dại (Aujeszkys); Bệnh PED; Viêm dạ dày ruột truyền nhiễm (TGE); Suyễn lợn; Viêm phổi màng phổi (APP); Bệnh Glasser; Bệnh do E.coli; Phó thương hàn; Bệnh do streptococcus suis…
Thực hiện xét nghiệm 52 chỉ tiêu trên gia cầm, để chẩn đoán các bệnh tại phòng thí nghiệm như: Bệnh cúm gia cầm, Bệnh Newcastle, Bệnh Marek; Bệnh đậu gà; Bệnh Gumboro; Bệnh viêm phế quản truyền nhiễm (IB); Bệnh viêm thanh khí quản truyền nhiễm (ILT); Bệnh viêm gan vịt; Bệnh do E.coli gây ra; Bệnh do Salmonella gây ra; Bệnh do ORT gây ra…
Có thể thực hiện 8 chỉ tiêu trên chó tại phòng thí nghiệm, các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như: Bệnh Ca-rê; Bệnh Parvovirus; Bệnh Viêm gan chó…
Ông Nguyễn Văn Đôn, đại diện một doanh nghiệp đang sử dụng dịch vụ tại phòng thí nghiệm cho biết, dịch vụ chẩn đoán xét nghiệm hiện nay và thời gian tới rất quan trọng cho chăn nuôi, đặc biệt chăn nuôi công nghiệp. Nếu không có kết quả nhanh và chính xác thì thất bại trong chăn nuôi.
“Tôi đã từng hợp tác với các phòng thí nghiệm khác, nhưng Phòng thí nghiệm trọng điểm công nghệ sinh học Thú y giúp chúng tôi 3 vấn đề: 1. Chính xác; 2. Nhanh; 3. Có kết quả rồi, phòng cùng với công ty chúng tôi đưa ra các phương án hữu hiệu nhất”, ông Đôn chia sẻ.
“Vì vậy, thời gian qua, hệ thống trại của chúng tôi và khách hàng đã làm tốt trong việc quản lý, tầm soát dịch bệnh. Tôi hi vọng thời gian tới, tôi và nhiều doanh nghiệp, trang trại sẽ có nhiều hợp tác chặt chẽ hơn Học viện và Phòng thí nghiệm”, ông Đôn khẳng định.
Nguồn: https://nhachannuoi.vn/khang-dinh-vi-tri-trong-nghien-cuu-khoa-hoc-va-dich-vu-thu-y/