Bệnh Dịch tả lợn châu Phi (Asfrican swine fever-ASF) là bệnh do virus gây ra trên lợn nuôi và lợn rừng với tỉ lệ tử vong lên đến 100%. Cho đến nay, ASF đã được báo cáo chính thức có mặt ở các quốc gia châu Á sau đây: Trung Quốc, Mông Cổ, Việt Nam, Campuchia, Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên, Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào, Myanmar, Philippines, Hàn Quốc, Đông Timor, Indonesia, Papua New Guinea, Ấn Độ và Malaysia.
Hiện nay, bệnh Dịch tả lợn châu Phi đang bùng phát trở lại ở châu Á, đe dọa xóa bỏ nỗ lực tái đàn của các nước đã trải qua dịch. Các đợt bùng phát mới được báo cáo ở Trung Quốc và căn bệnh này thậm chí đã đổ bộ vào các vùng bờ biển của Malaysia. Trong khi các ca bệnh mới vẫn xảy ra lẻ tẻ, các nhà quản lý yêu cầu đề cao các biện pháp an toàn sinh học nghiêm ngặt và tiêu hủy những động vật có khả năng nhiễm virus để kiểm soát dịch trong bối cảnh chưa có vắc xin thương mại.
guồn: Trung Quốc: MARA, Việt Nam: WAHIS & thông tin truyền thông, Hàn Quốc, Philippines, Indonesia, Đông Timo: WAHIS và các trang web của chính phủ, Khác: WAHIS.
Dưới đây là thông tin tình hình Dịch tả lợn châu Phi mới nhất theo quốc gia.
Trung Quốc
Ngày 3 tháng 8 năm 2018, Bộ Nông nghiệp và nông thôn Trung Quốc (MARA) xác nhận ổ dịch Dịch tả lợn châu Phi đầu tiên ở tỉnh Liêu Ninh, ASF đã làm giảm nghiêm trọng số đầu lợn của nước này khiến cho Trung Quốc trở thành quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi Dịch tả lợn châu Phi. Đầu năm 2021, đợt bùng phát mới nhất do biến thể mới có tên HuB20 được phân lập từ thịt lợn lấy mẫu tại một chợ ở trung tâm tỉnh Hồ Bắc đã làm ảnh hưởng đến mục tiêu của chính phủ Trung Quốc về việc đạt được sự phục hồi toàn bộ đàn lợn vào giữa năm nay. Kết quả đánh giá chủng virus mới cho thấy đã bị xóa một phần gen CD2v và gen 8CR liền kề. Bước đầu, các nhà khoa học cho rằng HuB20 có độc lực thấp hơn, do đó làm giảm tỷ lệ chết ở lợn so với chủng độc lực được phát hiện năm 2018 và 2019. Nguyên nhân của đợt bùng phát mới này có thể do việc sử dụng vắc xin không được phép lưu hành. Chính phủ Trung Quốc lo lắng về những đợt dịch bùng phát mới, vì vậy Bộ Nông nghiệp Trung Quốc đã tuyên bố sẽ tăng cường xử lý nghiêm các loại vắc xin bất hợp pháp có liên quan đến sự xuất hiện của các chủng virus mới.
Malaysia
Malaysia lần đầu tiên bùng phát dịch ASF vào tháng 2 năm 2021 tại bang Sabah. Cuộc điều tra được bắt đầu từ cái chết của một số con lợn rừng nhiễm virus ASF sau đó các xét nghiệm được mở rộng và đã ghi nhận virus ASF trên các đàn lợn nuôi. Cho đến hiện tại bang này đã phải tiêu hủy 3000 con lợn. Cập nhật thông báo ngày 7/3/2021, chính quyền bang Sabah cho biết virus đã lan sang các quận khác của bang nhưng các trang trại chăn nuôi lợn thương mại, nơi cung cấp chính nguồn thịt lợn cho nước này hiện vẫn chưa phát hiện có ASF.
Hàn Quốc
Từ tháng 10 năm 2020 đến nay, Hàn Quốc không có báo cáo về đợt bùng phát nào. Để ngăn chặn Dịch tả lợn châu Phi, Bộ nông nghiệp Hàn Quốc công bố tăng cường các biện pháp an toàn sinh học để ngăn chặn sự lây lan ASF từ lợn rừng sang lợn nhà trước mùa sinh sản của lợn rừng từ tháng 4 đến tháng 5. Lợn hoang là thủ phạm chính trong việc lây lan dịch bệnh từ biên giới phía bắc của đất nước đến các trang trại địa phương. Vào cuối tháng 2, Hàn Quốc đã tăng cường kiểm dịch ở biên giới trong bối cảnh các báo cáo về các trường hợp lây nhiễm mới ở các khu vực khác của châu Á, theo Bộ Nông nghiệp nước này.
Việt Nam
Từ đầu tháng 3 năm 2021, ghi nhận trên nhiều địa bàn tỉnh Nghệ An, Quảng Nam tái bùng phát Dịch tả lợn châu Phi. Mới đây nhất, ngày 24/3, cơ quan chức năng thị trấn Lao Bảo đã tiến hành tiêu hủy 54 con lợn mắc dịch tả lợn châu Phi. Những con lợn bị tiêu hủy được nuôi tại trang trại cách khu dân cư khoảng 600 mét và cách biên giới Việt – Lào chưa đến 1km. Cũng trong ngày 23/4, hàng trăm con lợn mắc bệnh Dịch tả lợn châu Phi tại 4 xã thuộc thị trấn Văn Bàn, Lào Cai được phát hiện và tiêu hủy.
Một trong những nguyên nhân gây tái bùng phát và lây lan trên diện rộng dịch bệnh là do nhu cầu tiêu dùng thực phẩm trong đó có thịt lợn tăng cao vào dịp lễ và Tết nguyên đán nên việc giết mổ và vận chuyển gia súc, gia cầm diễn biến phức tạp. Đứng trước nỗ lực tái quy mô đàn lợn, các cơ quan quản lý và người chăn nuôi cần thực hiện nghiêm ngặt biện pháp an toàn sinh học bao gồm thực hiện kiểm dịch và cách ly để tránh bùng phát dịch trở lại.
(Theo Reuters và Nongnghiep.vn).